Bác Anh, 84 tuổi xung trận
Bác Đương là một trong những người hiếm hoi còn sử dụng vợt vuông kiểu Nhật Bản: “Thế hệ chúng tôi toàn chơi thứ vợt vuông này thôi, còn vợt tròn là thuộc đời sau”. Bác đưa cho tôi xem gia tài khoảng gần 30 cây vợt vuông do bác sưu tầm. Nhiều cái bác tự “cải tiến” cho phù hợp lối chơi. “Tôi bị tai nạn, tay bị tật, như người ta thì bỏ bóng bàn lâu rồi, tôi vẫn ham, không bỏ được. Tôi đành phải chế ra cán vợt cong để cầm cho phù hợp”.
Ở tuổi này nhưng bác Đương là một người già cô đơn. Vợ bác theo con định cư ở nước ngoài từ lâu. Bác sống cùng đứa cháu, với một cây đàn ghi ta cũ mua ngoài đường và một đống vợt bóng bàn. Thầy Tân kể: “Có thời gian bác Đương thường mang màn đến CLB, buổi tối chơi bóng xong, bác ấy ngủ luôn tại đó”.Bác Đương nói rằng: “Nhiều người bảo tôi hâm, tại sao không đi nước ngoài sống cùng gia đình mà cứ vạ vật ở đây? Với tôi, chẳng nơi nào vui bằng ở quê hương mình.
Những ngày từ sáng đến tối chơi bóng bàn, anh em bằng hữu khắp nơi, không giàu tiền bạc nhưng giàu tình cảm”. Có mạnh thường quân, mỗi tháng lại mời các cụ U90 tới CLB chơi bóng, rồi nấu cơm mời các cụ, Lại có một ông giáo nhạc viện nghỉ hưu mê bóng bàn, lâu lâu lại tổ chức tiệc tại nhà mời các cụ ghé chơi, kéo đàn cho các cụ nghe. Câu chuyện chung quy cũng là chuyện bóng chuyện bàn.
Càng già càng cay
Tuổi ngoài 80 mà vẫn còn “mài kiếm” luyện những cú cắt, rèn những cú đập, vẫn gọi đám trẻ đáng tuổi cháu là thầy đấy là bác Phượng. Bác Phượng năm nay 85 tuổi, tự hào nói: “Các giải vô địch quốc gia tôi vẫn thường đi xem, có khi ra tận Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức”. Bác vẫn đến CLB bóng bàn của Cung văn hóa Lao Động mỗi ngày tìm đối thủ so tài cao thấp. Người trẻ trạc tuổi con bác, nhưng chủ quan sẽ thua gác vợt!
Cuộc đời của bác Phượng trải nhiều thăng trầm. Bác vốn gốc Bắc, di cư vào Nam năm 1955, chơi bóng bàn từ ngày ấy, theo lối đam mê, không phải là vận động viên chuyên nghiệp. Bác còn nhớ như in cảm giác ngày đất nước thống nhất, sau năm 1975 đi xem những cây vợt lừng lẫy hai miền đấu với nhau. Bác nói: “Tôi hâm mộ tất cả! Tuy ở hai đầu bàn bóng, hai kiểu cầm vợt chơi bóng, tất cả đều là anh em”.Hàng năm CLB bóng bàn đều tổ chức giải mừng sinh nhật bác Phượng, hàng trăm cây vợt tham gia trổ tài. Nhưng bác Phượng nói: “Tôi chưa phải người già nhất ở đây!
Già nhất là bác Nhị xấp xỉ 90 tuổi cơ, tôi chỉ là đàn em. Tiếc rằng dạo này bác cũng có hơi yếu đi, thi thoảng mới ghé chơi”.Vào CLB, thấy bác Thỏa ở độ tuổi 90 mà vẫn chơi bóng di chuyển thoăn thoắt, người ta nói rằng: “Xem bác đánh cứ ngỡ là mơ”. Bác Anh, gốc Huế, năm nay 84 tuổi, bảo: “Thật ra tôi trước là dân đá bóng, sau này lớn tuổi giã từ sân cỏ tìm niềm vui trong bóng bàn. Tôi chạy nhanh, vẫn đấu được với lớp trẻ là vì ngày xưa tôi quen di chuyển nhiều”.
Kỳ phùng, tái ngộ
Bác Ngọc, biệt danh Ngọc “móm”, nguyên là HLV đội tuyển bóng bàn quốc gia, từng nhiều lần dẫn quân đi đấu giải SEA Games, nay độ tuổi 70 nghỉ hưu chuyển vào TPHCM, bác dạy bóng bàn cho các bạn trẻ. Bác Ngọc nói: “Nhiều người bỏ nhiều tiền thuê tôi dạy, nhưng tôi từ chối, ai cũng nghĩ tôi chán tiền. Quan điểm, tôi chỉ hướng dẫn cho những bạn nào đam mê, yêu thích môn này, không vì tiền bạc”. Bác thường dùng cái vợt bằng gỗ (không dán mút) cắt bóng cho các bạn trẻ tập giật, nghe tiếng kêu bốp bốp bốp.Vào cái tuổi già, người ta quần tụ ở bàn bóng bàn. Bác Tường vốn là vận động viên của miền Nam, từng đứng trong tốp 8 cây vợt mạnh quốc gia.
Bác kể: “Khi đất nước thống nhất, Nam Bắc thi đấu với nhau, nhiều giải, cạnh tranh khốc liệt. Chính tôi đã gặp anh Ngọc trong một giải vô dịch quốc gia và thua anh ấy ở vòng 1/16”. Bác Tường từng định cư ở nước ngoài nay trở về, gặp lại đối thủ xưa là bác Ngọc “móm” tuyển thủ quốc gia năm nào từ Thủ đô chuyển vào Nam an hưởng tuổi già. Họ lại chơi bóng bàn cùng nhau ở chung một CLB. Bác Tường nói: “Thế hệ tôi và anh Ngọc sử dụng trái bóng khác, mặt vợt cũng khác nên khó so sánh với thế hệ trẻ ngày nay ai giỏi hơn ai. Chỉ đam mê bóng bàn là không gì thay đổi”.
Thầy của những người thầy
Bác Lương năm nay 83 tuổi vẫn dạy bóng bàn mỗi ngày tại quận 7. Có hôm bác đứng phát bóng cho các cháu nhỏ từ sáng đến chiều mà chân vẫn thoăn thoắt. Bác kể rằng: “Tôi trước ở quận 5, người gốc Hoa, học bóng bàn nhiều thầy lắm, các thầy đều quy tiên cả rồi. Tôi giao bóng hay, đánh bóng giỏi, đánh đâu thắng đó, người ta chẳng ai muốn thi đấu với tôi, chỉ muốn học tôi, thế là tôi chuyển sang nghề làm thầy”.
Đi dạy ở đâu bác Lương cũng mang theo cái ba lô, trong đó có 7 cây vợt khác nhau từ cổ đến kim, dùng để thị phạm giảng dạy cho học trò hiểu về lịch sử môn bóng bàn.Thầy Lê Văn Tân trước là vận động viên đội tuyển trẻ của miền Nam trước 1975. Thầy kể: “Năm 1975, đất nước thống nhất, chúng tôi là vận động viên bóng bàn nhận được thông báo là các anh hãy tiếp tục phục vụ cho bộ môn bóng bàn, không đi đâu hết. Rồi tôi và anh em được cử đi học làm huấn luyện viên vừa tiếp tục thi đấu cho đội tuyển thành phố”.
Vận động viên Lê Văn Tân từng đoạt chức vô địch hạng chuyên nghiệp TPHCM. Ông nói: “Là một vận động viên chuyên nghiệp, tôi từng được HLV Nhật Bản dẫn dắt, nhưng người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất chính là một người Việt Nam, bác Mai Duy Dưỡng (Vô địch Đông Dương). Tài liệu của bác Dưỡng giúp tôi hiểu rõ hơn về bóng bàn và tôi cũng đam mê tìm tòi, dạy bóng bàn nhờ vào tài liệu của bác ấy”…Dừng xe trong làn nước như dòng sông trước CLB, thầy Tân bảo tôi: “Vợ tôi cứ than phiền sao ông không nghỉ đi! Nhưng sáng ra, bật máy điện thoại lại nghe các cháu léo nhéo gọi: Ông ơi, hôm nay dạy con đánh bóng bàn nha ông! Vậy là lại mặc áo mưa lội nước mà đi!”.
Leave a Reply