Lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cung cấp thông tin về giải đấu tại cuộc họp báo.
Bóng bàn là môn thể thao đòi hỏi quá trình đào tạo lâu dài và ít biến động về vận động viên (VÐV), bởi thế với lực lượng hiện nay, vốn đã rất khó để cạnh tranh huy chương Olympic, ASIAD thì nay càng khó tranh huy chương tại khu vực Ðông Nam Á trước sự tiến bộ vượt bậc của các đối thủ Singapore, Thái Lan. Ðể vực lại bóng bàn Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo trẻ, song việc này quá tốn kém kinh phí và thời gian, vì thế không biết đến bao giờ mới có thể triển khai những kế hoạch dài hạn.
Năm 2024 kết thúc với thành công của tay vợt nam Nguyễn Anh Tú khi thâu tóm cả ba tấm Huy chương vàng (HCV) tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân, Giải các đội mạnh quốc gia và Giải các cây vợt xuất sắc quốc gia. Anh Tú cũng là tay vợt vào đến chung kết Giải vô địch bóng bàn Ðông Nam Á 2024, nhưng thua đáng tiếc và chỉ giành ngôi Á quân. Về nữ, Nguyễn Khoa Diệu Khánh kết thúc năm thi đấu với tấm HCV đơn nữ Giải vô địch Ðông Nam Á mà các tay vợt Việt Nam đều mơ ước. Tay vợt của đội Thành phố Hồ Chí Minh này cũng giành hai trong ba ngôi vô địch tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân năm 2024, Giải các đội mạnh quốc gia và chỉ chịu thua đàn chị Mai Hoàng Mỹ Trang ở Giải các cây vợt xuất sắc quốc gia. Ở tuổi 36, tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn chứng tỏ phong độ thi đấu ấn tượng. Việc chỉ thi đấu ở một nội dung không tốn sức như các giải đấu khác, cho nên Mỹ Trang đủ thể lực tranh ngôi vô địch Giải các cây vợt xuất sắc quốc gia. Mặc dù Việt Nam giành được HCV tại Giải vô địch Ðông Nam Á 2024, song phải nhìn nhận thực tế là thành tích này có phần may mắn khi các tay vợt hàng đầu của Singapore và Thái Lan không tham gia thi đấu.
Trong vài năm gần đây, bóng bàn Việt Nam xuất hiện không ít các tài năng trẻ được kỳ vọng. Tuy nhiên, những VÐV nam trẻ như Ðinh Anh Hoàng, Lê Ðình Ðức mặc dù đã có được thương hiệu cá nhân ở nội dung đôi nam, song vẫn chưa thể vươn lên đỉnh cao ở các nội dung cá nhân. VÐV trẻ Nguyễn Hoàng Lâm vô địch U17 Ðông Nam Á, nhưng vẫn chưa được đánh giá cao tại các giải trong nước. Về nữ, Trần Mai Ngọc vẫn chưa thể vượt qua các đàn chị Diệu Khánh, Mỹ Trang, Nguyễn Thị Nga. Tay vợt Ðỗ Lê Vân Chi từng lọt vào tốp 8 Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân năm 2023 khi mới 13 tuổi cũng đang loay hoay tìm cơ hội khẳng định tài năng cá nhân.
Là môn thể thao khá phổ biến tại Việt Nam, bóng bàn thu hút nhiều người chơi, từ đó góp phần tích cực để phát hiện những tài năng trẻ. Mặc dù vậy, để các tài năng trẻ đó vươn lên đỉnh cao là một quá trình cực kỳ khó khăn. Những tài năng trẻ như Ðinh Anh Hoàng, Trần Mai Ngọc được huấn luyện bởi huấn luyện viên từng vô địch Ðông Nam Á là Vũ Mạnh Cường và nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn của Tập đoàn T&T, song đến nay vẫn chưa đạt thành tích mong muốn. Cần nhìn nhận thực tế là trình độ đào tạo VÐV của các huấn luyện viên bóng bàn Việt Nam hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Ðể phá vỡ rào cản này cần có chiến lược đầu tư bứt phá. Bởi không phải là môn thể thao nằm trong kế hoạch hướng tới Olympic, ASIAD, cho nên hầu như bóng bàn không có cơ hội sử dụng ngân sách nhà nước mà cần thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.
Khép lại năm 2024, bóng bàn Việt Nam được kỳ vọng có những đổi mới trong năm 2025, trong đó vấn đề quan trọng nhất là nâng cao trình độ của các VÐV, trước mắt là những kế hoạch ngắn hạn. Các VÐV hàng đầu của chúng ta cần được thi đấu cọ xát nhiều hơn với các đối thủ mạnh để nâng cao kỹ chiến thuật và thể lực chuyên môn. Nếu vẫn chỉ thi đấu các giải trong nước, tập huấn đội tuyển quốc gia rồi xoay vần tập luyện và thi đấu giữa những tay vợt đã rất quen thuộc theo mô hình như nhiều năm qua thì hầu như không có cơ hội bứt phá.
Leave a Reply