Sau khi hạ Phàn Chấn Đông ở chung kết ITTF Finals 2020, quả trái của Mã Long được huyền thoại Lưu Quốc Lương khen ngợi. Ông cho rằng tay vợt số hai thế giới ngày càng hoàn thiện kỹ thuật. Ca phẫu thuật cổ tay hồi cuối năm 2019 gần như không còn để lại di chứng mỗi khi tung cú giật sở trường.
Ở chung kết WTT Macao 2020 tối 29/11, Mã Long củng cố thêm nhận xét của ông thầy họ Lưu. Sau khi trở lại từ một phút nghỉ time-out, tay vợt quê Liêu Ninh giật trái chuẩn xác, đưa bóng tìm tới mép bàn và không cho Vương Sở Khâm cơ hội chống đỡ. Anh vươn lên dẫn 10-8 ở set 6 và đoạt chức vô địch ở điểm sau đó, khi đàn em đánh bóng ra ngoài.
Đó không phải là lần đầu tiên Mã Long giật trái ở những tình huống giằng co trong trận. Trước đó, trong set 5, khi dẫn 10-9 chỉ cách danh hiệu một điểm, Mã cũng giật trái, nhưng đưa bóng ra ngoài. Theo quy định của WTT Macao 2020, các set từ một đến tám ở chung kết không dùng luật cách hai điểm, nhưng Mã Long vẫn tiếp tục giật trái ở đường bóng kế tiếp. Dù bóng ra ngoài và tay vợt 32 tuổi mất set, Mã tỏ ra tự tin vào kỹ thuật từng được xem là hạn chế của anh.
Hai set năm và sáu cũng là khoảng thời gian gay cấn nhất của chung kết, bởi cả bốn set đầu, Mã Long hoàn toàn áp đảo. Anh thắng một mạch 11-5, 11-9, 11-4 và 11-5, dù ở ba lần đối đầu trước anh thua hai và chỉ thắng một trận.
WTT Macao được Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF) quảng bá rầm rộ từ đầu năm 2020, với điểm nhấn là sân và luật thi đấu khác lạ. Với thiết kế sân theo hình bát giác, tông màu cam làm chủ đạo, mỗi khi tiến ra sân, các tay vợt sẽ có cảm giác như đang tiến vào đấu trường UFC.
Về luật thi đấu, WTT Macao khốc liệt hơn so với các giải truyền thống. Từ vòng loại đến tứ kết, các tay vợt đánh theo thể thức 5 set thắng 3, trong đó chỉ set 5 áp dụng luật cách 2 điểm. Các set trước, tay vợt nào đến 11 trước sẽ thắng. Vòng bán kết, thể thức đổi thành đánh 7 set thắng 4, còn chung kết là 9 set thắng 5.
Bốn tay vợt hạt giống được đặc cách vào thẳng tứ kết, nhưng không được nghỉ hai ngày thi đấu đầu tiên mà đánh một giải nhỏ giữa bốn người. Hạt giống số một gặp hạt giống số bốn, hạt giống số hai gặp hạt giống số ba. Hai người thắng gặp nhau để tìm “Seed 1”, hai người thua gặp nhau để chọn “Seed 3”. Seed 1 có đặc quyền chọn đối thủ sẽ gặp ở tứ kết. Seed 2, 3 và 4 phải chọn trong số còn lại.
WTT Macao sớm mang tới bất ngờ từ tứ kết. Hứa Hân là hạt giống số một trước giải, cũng là “Seed 1” sau giải nội bộ giữa bốn hạt giống. Nhưng ở tứ kết, đối thủ anh chọn – Mattias Falck – chơi lên đồng và thắng anh 3-1. Mã Long, hạt giống số hai, cũng chật vật vượt qua Jeoung Young-sik. Chính Vương Sở Khâm, tay vợt có mặt ở chung kết, cũng không phải top 4 hạt giống trước giải.
Leave a Reply