Với nền tảng hùng mạnh và rộng lớn, bóng bàn Trung Quốc nhiều năm qua vẫn giao việc tập huấn, đào tạo các VĐV trẻ cho các cơ sở, trung tâm tỉnh thành.
Đội tuyển trẻ đơn giản chỉ là hình thức tập trung các tuyển thủ nhí giỏi nhất lại với nhau để đi thi đấu các giải lớn. Đó là cách làm dễ hiểu, vừa bớt lãng phí vốn đầu tư, vừa không khiến các VĐV trẻ bị sao nhãng việc học hành.
Nhưng chính sách đào tạo trẻ của bóng bàn Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi vào cuối năm ngoái. Vào tháng 8-2020, Liên đoàn Bóng bàn Trung Quốc thông báo về kế hoạch cải tổ hệ thống đào tạo trẻ của họ.
Theo đó, hai “đội tuyển trẻ đào tạo tập trung” sẽ ra đời, bao gồm 32 tay vợt nam và nữ lứa tuổi 7-10 và 32 tay vợt nam nữ lứa tuổi 11-14. Các đội tuyển này sẽ được tập huấn chia làm ít nhất hai đợt trong năm, và trước mắt giai đoạn 1 là 33 ngày tại Nam Hải (Sơn Đông).
Vì sao lại có sự thay đổi này? Huyền thoại bóng bàn Lưu Quốc Lượng – chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Trung Quốc – không hề giấu giếm lý do chính: sự e ngại đối với thế lực mới trỗi dậy mang tên Nhật Bản.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển bóng bàn trẻ Trung Quốc bằng việc tăng cường mối liên hệ giữa các đội chuyên nghiệp ở tỉnh thành với đội tuyển quốc gia.
Chúng tôi cần phải đặt sự phát triển của bóng bàn Trung Quốc ở một tầm cao hơn nữa trong tương lai. Người Nhật đang tiến bộ từng ngày, và chúng tôi cũng không được phép thụt lùi” – ông Lưu Quốc Lượng nói.
Trong đợt tuyển chọn đầu tiên cho đội tuyển trẻ đào tạo tập trung, có đến 13.887 VĐV đến từ 29 tỉnh thành khác nhau tham dự, tỉ lệ chọi vì vậy là 217 chọn 1.
Sự e dè mà quốc gia thống trị bóng bàn bao lâu nay dành cho Nhật Bản không hề phóng đại.
Kết quả từ các giải vô địch trẻ, vô địch thế giới cho đến các giải thuộc hệ thống ITTF tour phản ánh sự trỗi dậy rõ rệt của người Nhật, đồng thời khiến vị thế thống trị của bóng bàn Trung Quốc bị lung lay như thế nào.
Nhật có nhiều “thần đồng”
Đơn cử như giải vô địch bóng bàn trẻ thế giới, kể từ khi thành lập vào năm 2003 đã trở thành sân chơi hoàn toàn bị những người Trung Quốc “nhuộm đỏ”.
Nhưng ở giải năm 2016, người Nhật khiến ông vua của làng banh nhựa phải sốc nặng khi giành 3 HCV, và lại là những nội dung danh giá như đơn nam, đồng đội nam, đồng đội nữ. Chưa kể Trung Quốc còn thua to ở giải trẻ năm đó khi chỉ giành vỏn vẹn 1 HCV.
Liền kề 2 năm sau đó, các đội trẻ Trung Quốc bước vào giải với khí thế hừng hực “rửa hận” và nhanh chóng thiết lập sự thống trị. Nhưng đến năm 2019, người Nhật lại “chia nửa giang sơn” khi giành 3 HCV (đơn nữ, đôi nữ và đôi nam nữ).
Sự tiến bộ của lứa trẻ giai đoạn năm 2016 giúp bóng bàn Nhật thực sự trở thành “kẻ phá bĩnh” ở các giải World Tour thời điểm hiện tại. Do ảnh hưởng của đại dịch, ITTF chỉ tiến hành được 3/12 giải World Tour trong năm 2020.
Ở Đức mở rộng, Trung Quốc thắng lớn khi gom 4/5 HCV. Nhưng đến Qatar mở rộng, Nhật giật lại 1 tấm HCV đôi nam nữ, chưa kể trước đó họ còn thống trị giải Hungary mở rộng (kém danh giá hơn 1 bậc) với 3/5 HCV.
Trong năm 2019, thần đồng Tomokazu Harimoto – tiêu biểu cho lứa ngôi sao trẻ của Nhật – còn nhiều lần “phá bĩnh” sự thống trị của Trung Quốc.
Thành tựu của lứa trẻ những năm qua tạo ra triển vọng cân bằng lực lượng với Trung Quốc cho bóng bàn Nhật trong vài năm tới.
Ở bảng xếp hạng đơn nam, Harimoto là tay vợt Nhật duy nhất nằm trong top 10 thế giới (hạng 5, xếp dưới 4 tay vợt Trung Quốc) nhưng lại là người trẻ nhất – năm nay mới 17 tuổi.
Sức ép ở bảng xếp hạng đơn nữ càng lớn hơn khi Mima Ito không ngừng kèn cựa vị trí số 1 thế giới với Chen Meng, và cô gái Nhật Bản lại kém đối phương đến 6 tuổi.
Tập trung vào độ tuổi 7-12
Ông Chen Zhenjiang – trưởng ban huấn luyện đội tuyển trẻ đào tạo tập trung – cho biết độ tuổi 7-12 đang là thế mạnh của bóng bàn Nhật những năm qua.
“Trẻ em Trung Quốc trong độ tuổi 7-12 thường chỉ tập trung vào huấn luyện cơ bản, trong khi các tay vợt Nhật lại có kinh nghiệm thi đấu dày dạn ngay từ độ tuổi này. Sự hiểu biết về trái bóng giữa hai bên là rất khác nhau. Điều này giúp các tay vợt Nhật sớm gặt hái thành tích ở lứa trẻ hơn”.
Leave a Reply